Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Các nguyên tắc thẩm định giá BDS

Các nguyên tắc thẩm định giá hầu hết đều xuất phát từ các nguyên tắc kinh tế. Phương pháp thẩm định giá nào cũng dựa trên một số nguyên tắc nhất định. Ví dụ:
- Phương pháp so sánh: ứng dụng nguyên tắc cung cầu, nguyên tắc cân bằng, nguyên tắc thay thế, nguyên tắc ảnh hưởng các yếu tố bên ngoài ...
- Phương pháp chi phí: ứng dụng các nguyên tắc sử dụng cao nhất & tốt nhất, nguyên tắc cung cầu, nguyên tắc đóng góp, nguyên tắc ảnh hưởng các yếu tố bên ngoài ...
- Phương pháp vốn hoá thu nhập: ứng dụng các nguyên tắc dự đoán lợi ích tương lai, nguyên tắc hoà hợp, nguyên tắc thay đổi, nguyên tắc thay thế, nguyên tắc cân bằng ...
- Phương pháp thặng dư: ứng dụng nguyên tắc sử dụng cao nhất - tốt nhất, nguyên tắc cân bằng và phát triển đất, nguyên tắc đóng góp ...
Các nguyên tắc này được vận dụng trong từng trường hợp cụ thể khi áp dụng, không nhất thiết áp dụng toàn bộ các nguyên tắc.

Nguyên tắc sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất: Việc sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất của tài sản là đạt được mức hữu dụng tối đa trong những hoàn cảnh kinh tế xã hội thực tế phù hợp, có thể cho phép về mặt kỹ thuật, về pháp lý, về tài chính và đem lại giá trị lớn nhất cho tài sản.

Nguyên tắc cung cầu: Giá trị của một tài sản được xác định bỡi mối quan hệ cung và cầu về tài sản đó trên thị trường. Giá trị của tài sản thay đổi tỷ lệ thuận với cầu và tỷ lệ nghịch với cung về tài sản.

Nguyên tắc thay thế: Giới hạn trên của giá trị mảnh đất có xu hướng được thiết lập bởi chi phí mua một tài sản thay thế tương đương, với điều kiện là không có sự chậm trễ quá mức làm ảnh hưởng đến sự thay thế. Nguyên tắc này dựa trên cơ sở một người mua cẩn trọng sẽ không trả nhiều tiền hơn để mua một tài sản tương tự như vậy trong thị trường mở.

Nguyên tắc thay đổi: Giá trị của tài sản thay đổi theo sự thay đổi của những yếu tố hình thành nên giá trị của nó. Giá trị của tài sản cũng được hình thành trong quá trình thay đổi liên tục phản ánh hàng loạt các mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị.

Nguyên tắc cân bằng: Các yếu tố cấu thành nên tài sản cần phải cân bằng để tài sản đạt được khả năng sinh lời tối đa hay mức hữu dụng tối ưu.

Nguyên tắc đóng góp: Mức độ mà mỗi bộ phận của tài sản đóng góp vào tổng thu nhập từ toàn bộ tài sản có tác động đến toàn bộ tài sản đó.

Các nguyên tắc khác: Nguyên tắc dự kiến các lợi ích tương lai; Nguyên tắc thu nhập tăng hoặc giảm; Nguyên tắc phân phối thu nhập; Nguyên tắc cạnh tranh.

QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN


I. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN TRONG QUÁ TRÌNH THẨM ĐỊNH GIÁ.


Doanh nghiệp và thẩm định viên phải tuân theo đầy đủ trình tự sáu (6) bước sau đây:

- Bước 1: Xác định tổng quát về BĐS cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.

- Bước 2: Lập kế hoạch thẩm định giá.

- Bước 3: Khảo sát hiện trường, thu thập thông tin.

- Bước 4: Phân tích thông tin.

- Bước 5: Xác định giá trị BĐS cần thẩm định giá.

- Bước 6: Lập báo cáo và chứng thư kết quả thẩm định giá.

II. QUY TRÌNH THỰC HIỆN CHI TIẾT.

1. Xác định tổng quát về BĐS cần thẩm định giá và loại hình giá trị làm cơ sở thẩm định giá.

1.1. Các đặc điểm cơ bản về pháp lý, về kinh tế kỹ thuật của tài sản cần thẩm định giá.

1.2. Mục đích thẩm định giá: Thẩm định viên phải xác định và nhận thức mục đích thẩm định giá của khách hàng. Mục đích thẩm định giá phải được nêu rõ trong báo cáo thẩm định giá.

1.3. Xác định khách hàng, yêu cầu của khách hàng; những người sử dụng kết quả thẩm định giá.

1.4. Những điều kiện ràng buộc trong xác định đối tượng thẩm định giá:

1.5. Thẩm định viên phải đưa ra những giả thiết và những điều kiện bị hạn chế đối với: những yêu cầu và mục đích thẩm định giá của khách hàng; những yếu tố ràng buộc ảnh hưởng đến giá trị BĐS; những giới hạn về: tính pháp lý, công dụng của BĐS, nguồn dữ liệu, sử dụng kết quả; quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên theo hợp đồng thẩm định giá.

1.6. Việc đưa ra những điều kiện hạn chế và ràng buộc của thẩm định viên phải dựa trên cơ sở:

- Có sự xác nhận bằng văn bản của khách hàng và trên cơ sở nhận thức rõ ràng những điều kiện đó sẽ tác động đến bên thứ ba thông qua kết quả thẩm định giá.

- Phù hợp với quy định của luật pháp và các quy định hiện hành khác có liên quan.

- Trong quá trình thẩm định giá, nếu thẩm định viên thấy những điều kiện hạn chế và ràng buộc đưa ra là không chặt chẽ hoặc thiếu cơ sở thì phải xem xét lại và thông báo ngay cho giám đốc doanh nghiệp, tổ chức thẩm định giá và cho khách hàng.

1.7. Xác định thời điểm thẩm định giá.

Việc xác định đặc điểm, bản chất (tự nhiên, pháp lý) của tài sản cần thẩm định giá phải được thực hiện ngay sau khi ký hợp đồng thẩm định giá và ý kiến đánh giá về giá trị của BĐS được đưa ra trong phạm vi thời gian cho phép của hợp đồng.

1.8. Xác định nguồn dữ liệu cần thiết cho thẩm định giá.

1.9. Xác định cơ sở giá trị của BĐS.

Trên cơ sở xác định khái quát về đặc điểm, loại hình tài sản cần thẩm định giá, thẩm định viên cần xác định rõ loại hình giá trị làm cơ sở cho việc thẩm định giá



Việc xác định giá trị làm cơ sở cho thẩm định giá phải phù hợp với những quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Lập kế hoạch thẩm định giá.

2.1. Việc lập kế hoạch một cuộc thẩm định giá nhằm xác định rõ những bước công việc phải làm và thời gian thực hiện từng bước công việc cũng như toàn bộ thời gian cho cuộc thẩm định giá.

2.2. Nội dung kế hoạch phải thể hiện những công việc cơ bản sau:

- Xác định các yếu tố cung-cầu thích hợp với chức năng, các đặc tính và các quyền gắn liền với BĐS được mua/bán và đặc điểm thị trường.

- Xác định các tài liệu cần thu thập về thị trường, về tài sản, tài liệu so sánh.

- Xác định và phát triển các nguồn tài liệu, đảm bảo nguồn tài liệu đáng tin cậy và phải được kiểm chứng.

- Xây dựng tiến độ nghiên cứu, xác định trình tự thu thập và phân tích dữ liệu, thời hạn cho phép của trình tự phải thực hiện.

- Lập đề cương báo cáo kết quả thẩm định giá.

3. Khảo sát hiện trường, thu thập thông tin.

3.1. Khảo sát hiện trường

Thẩm định viên phải trực tiếp khảo sát hiện trường:

- Đối với máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ: Thẩm định viên phải khảo sát và thu thập số liệu về tính năng kỹ thuật (công suất, năng suất, công dụng) vị trí, đặc điểm, quy mô, kích thước, độ mới, cũ của tài sản cần thẩm định giá và các tài sản so sánh.

- Đối với bất động sản, thẩm định viên phải khảo sát và thu thập số liệu về:

+ Vị trí thực tế của bất động sản so sánh với vị trí trên bản đồ địa chính, các mô tả pháp lý liên quan đến bất động sản.

+ Chi tiết bên ngoài và bên trong bất động sản, bao gồm: diện tích đất và công trình kiến trúc; khung cảnh xung quanh, cơ sở hạ tầng (cấp và thoát nước, viễn thông, điện, đường), loại kiến trúc, mục đích sử dụng hiện tại, tuổi đời, tình trạng duy tu, sửa chữa…

+ Đối với công trình xây dựng dở dang, thẩm định viên phải kết hợp giữa khảo sát thực địa với báo cáo của chủ đầu tư, nhà thầu đang xây dựng công trình.

- Trong quá trình khảo sát, để có đầy đủ chứng cứ cho việc thẩm định giá, thẩm định viên cần chụp ảnh tài sản theo các dạng (tòan cảnh, chi tiết), các hướng khác nhau.

3.2. Thu thập thông tin.

Bên cạnh thông tin, số liệu thu thập từ khảo sát hiện trường, thẩm định viên phải thu thập các thông tin sau:

- Các thông tin liên quan đến chi phí, giá bán, lãi suất, thu nhập của tài sản so sánh.

- Các thông tin về yếu tố cung - cầu, lực lượng tham gia thị trường, động thái người mua - người bán tiềm năng.

- Các thông tin về tính pháp lý của BĐS.

- Với bất động sản cần thu thập thêm các thông tin:

+ Các số liệu về kinh tế xã hội, môi trường, những yếu tố tác động đến giá trị, những đặc trưng của thị trường tài sản để nhận biết sự khác nhau giữa khu vực tài sản thẩm định giá toạ lạc và khu vực lân cận.

+ Các thông tin về những yếu tố tự nhiên, kinh tế xã hội ảnh hưởng đến mục đích sử dụng của tài sản (địa chất, bản đồ địa chính, quy hoạch, biên giới hành chính, cơ sở hạ tầng…).

- Để thực hiện thẩm định giá, thẩm định viên phải dựa trên những thông tin thu thập từ các nguồn: khảo sát thực địa; những giao dịch mua bán tài sản (giá chào, giá trả, giá thực mua bán, điều kiện mua bán, khối lượng giao dịch…) thông qua phỏng vấn các công ty kinh doanh tài sản, công ty xây dựng, nhà thầu, ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng; thông tin trên báo chí (báo viết, nói, hình) của địa phương, trung ương và của các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường tài sản; thông tin trên các văn bản thể hiện tính pháp lý về quyền năng của chủ tài sản, về các đặc tính kinh tế, kỹ thuật của tài sản, về quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng có liên quan đến tài sản. Thẩm định viên phải nêu rõ nguồn thông tin trong báo cáo thẩm định giá và phải được kiểm chứng để bảo đảm độ chính xác của thông tin.

4. Phân tích thông tin.

Là quá trình đánh giá tác động của các yếu tố đến mức giá của tài sản cần thẩm định.

4. 1. Phân tích những thông tin từ khảo sát hiện trường tài sản.

4. 2. Phân tích những đặc trưng của thị trường tài sản cần thẩm định giá.

a. Bản chất và hành vi ứng xử của những người tham gia thị trường.

- Đối với tài sản thương mại hoặc công nghiệp, bao gồm: đặc điểm của mỗi lĩnh vực (thương mại hoặc công nghiệp) hình thành nên những nhóm cung và cầu về tài sản, hình thức sở hữu của pháp nhân tham gia thị trường (công ty tư nhân hay sở hữu nhà nước, liên doanh…); mức độ mở rộng thị trường BĐS loại này với những người mua tiềm năng.

- Đối với tài sản là nhà cửa dân cư, bao gồm: tuổi tác, cơ cấu gia đình, mức độ thu nhập của nhóm cung và nhóm cầu, mức độ mở rộng thị trường tài sản loại này với những người mua tiềm năng.

b. Xu hướng cung cầu trên thị trường tài sản.

- Những xu hướng tăng giảm về nguồn cung, tăng giảm về nhu cầu của những tài sản tương tự hiện có trên thị trường.

- Ảnh hưởng của xu hướng trên đến giá trị tài sản đang thẩm định giá.

4. 3. Phân tích về khách hàng:

- Đặc điểm của những khách hàng tiềm năng.

- Sở thích của khách hàng về vị trí, quy mô, chức năng và môi trường xung quanh tài sản.

- Nhu cầu, sức mua về tài sản.

4. 4. Phân tích về việc sử dụng tốt nhất và tối ưu tài sản.

- Thẩm định viên cần xem xét khả năng sử dụng tốt nhất một tài sản trong bối cảnh tự nhiên, hoàn cảnh pháp luật và tài chính cho phép và mang lại giá trị cao nhất cho tài sản.

- Thẩm định viên cần đánh giá cụ thể việc sử dụng tài sản trên các khía cạnh:

+ Sự hợp lý, tính khả thi trong sử dụng tài sản, xem xét đến mối tương quan giữa việc sử dụng hiện tại và sử dụng trong tương lai.

+ + Sự thích hợp về mặt vật chất, kỹ thuật đối với việc sử dụng tài sản: xác định và mô tả đặc điểm kinh tế kỹ thuật, tính hữu dụng của tài sản.

+ Sự hợp pháp của tài sản trong việc sử dụng, những hạn chế riêng theo hợp đồng, theo quy định của pháp luật.

+ Tính khả thi về mặt tài chính: phân tích việc sử dụng tiềm năng của tài sản trong việc tạo ra thu nhập, xem xét tới các yếu tố giá trị thị trường, mục đích sử dụng trong tương lai, chi phí phá bỏ và giá trị còn lại của tài sản, lãi suất, rủi ro, giá trị vốn hoá của tài sản.

+ Hiệu quả tối đa trong sử dụng tài sản: xem xét đến năng suất tối đa, chi phí bảo dưỡng, các chi phí phát sinh cho phép tài sản được sử dụng đến mức cao nhất và tốt nhất.

5. Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.

- Thẩm định viên phải nêu rõ các phương pháp được áp dụng để xác định mức giá trị của tài sản cần thẩm định giá.

- Phương pháp thẩm định giá quy định tại tiêu chuẩn số 07 (TĐGVN 07) “Các phương pháp thẩm định giá.”

- Thẩm định viên cần phân tích rõ mức độ phù hợp của 01 hoặc nhiều phương pháp trong thẩm định giá được sử dụng với đặc điểm kinh tế kỹ thuật của tài sản và với mục đích thẩm định giá.

- Thẩm định viên cần nêu rõ trong báo cáo thẩm định phương pháp thẩm định giá nào được sử dụng làm căn cứ chủ yếu, phương pháp thẩm định giá nào được sử dụng để kiểm tra chéo, từ đó đi đến kết luận cuối cùng về giá trị thẩm định.

6. Lập báo cáo và chứng thư thẩm định giá.

Nội dung báo cáo, chứng thư thẩm định giá thực hiện theo quy định tại tiêu chuẩn số 04 (TĐGVN 04) về “Báo cáo kết quả, hồ sơ, chứng thư thẩm định giá.”

Các phương pháp thẩm định giá BDS

- Phương pháp so sánh trực tiếp: so sánh các giao dịch thị trường của các bất động sản có đặc điểm tương tự để xác định giá.

- Phương pháp chi phí thay thế: giá trị bất động sản = giá trị quyền sử dụng đất + giá trị còn lại của tài sản trên đất.

- Phương pháp thặng dư: giá trị bất động sản = doanh thu phát triển - (trừ) chi phí đầu tư phát triển.

- Phương pháp đầu tư (thu nhập): giá trị bất động sản = thu nhập ròng chia cho lãi suất vốn.

- Phương pháp lợi nhuận: dựa vào sự ước tính khả năng sinh lợi của việc sử dụng bất động sản - (trừ) các chi phí hoạt động kinh doanh hợp lý.


Trong thẩm định giá không có phương pháp nào là chính xác nhất mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất với mục đích định giá. Do vậy, không thể có việc áp dụng 3 phương pháp thẩm định giá khác nhau cho ra 3 kết quả khác nhau và lấy trung bình cộng của 3 phương pháp.

Để thẩm định giá cho một tài sản hoặc bất động sản, thẩm định viên phải căn cứ vào mục đích thẩm định giá, đặc điểm của tài sản cần thẩm định, độ tin cậy của thông tin thị trường để chọn ra phương pháp thẩm định giá phù hợp nhất, các phương pháp còn lại chỉ dùng để kiểm tra mức độ chính xác của phương pháp được chọn. Kết quả cuối cùng là kết quả của phương pháp được chọn.
Trong trường hợp kết quả của phương pháp được chọn và các phương pháp kiểm tra khác có kết quả chênh lệch quá lớn thì phải kiểm tra lại các thông tin thị trường thu thập được, kiểm tra cách thức tính toán bảo đảm là không sai lệch. Nếu kết quả vẫn không thay đổi thì phải điều tra thị trường lại và chọn phương pháp thẩm định giá khác phù hợp hơn.